Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Xã Huống Thượng - Văn hóa Tâm linh

Huống Thượng Quê Hương Tôi _ Văn hóa tâm linh ( Văn hóa vô hình )

Category: Giáo dục nhân văn, Tag: Cảnh Doanh,Chùa,Cội nguồn tộc Dương,Đền,Đình,Huống Thượng quê hương tôi,Nghè
10/16/2012 09:17 am

Huống Thượng Quê Hương Tôi
      4/ Văn hóa tâm linh ( Văn hóa vô hình )
     Dân Huống Thượng xưa sống vùng đồi núi và ven sông, bãi bồi, đoạn nhiều khúc cong, lắm thác nhiều ghềnh, chủ yếu bằng nghề trồng trọt, săn bắt, hái lượm, sống nhờ khí hậu tự nhiên. Khi xuống sông thì sợ thuồng luồng hà bá, long vương thủy tề...lên rừng thì hổ, báo, rắn độc, thú dữ. Khởi nguồn cho chuyện này, người dân đã dựng đền thờ thần rắn, trong nhà thờ thần hổ, trên Gò Hội Đồng xóm Hóc thờ thánh Mẫu Hậu có công dạy trăm họ trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, quay tơ, dệt vải cùng với hai ông : Ông Dài, Ông Cộc. Vùng canh tác lớn xa xưa là Cam Gia, Đồng Tằm, Vực Mụ.Thờ cúng Ông Kễnh ( thần Hổ ) với miếng thịt lợn sống vào mồng một, hôm rằm.
     Thời nhà Lý, thế kỷ thứ 11, ông Dương Tự Minh, người dân tộc Tày đã hợp quân cùng triều đình chống quân Tống trên chiến tuyến sông Như Nguyệt. Khi vinh quy bái tổ, dân Huống Thượng tôn kính vinh thần cho ông, thờ cúng ông trong đền, đình của làng, của Giáp, của Tổng. Đất Linh Thông-Đình Linh Tùng là một trong những đền, đình của tổng Huống Thượng thờ cúng ông. Đền, Nghè, Đình, Chùa phát triển mạnh vào thời nhà Lê, hậu Lê ; Xưa nhất phải kể đến Đền Rắn, Chùa O, Chùa Na Ma, Chùa Đồng Giăng.
     Chuyện về Đình : Năm 1419, tổng binh Lý Bân ( Lý Ba ) tổ chức đơn vị hành chính theo mô hình của nhà Minh ( Giai đoạn 10 năm chống quân Minh ), hàng Tổng, Giáp được xây dựng đình để các cụ ông làm nơi sinh hoạt tế lễ trời đất. Đình Linh Thông-Linh Tùng ở xóm Thông, trên núi Lĩnh, nhìn về phá Tam Giang, núi Tiện, xa hơn lả Tản Viên Sơn. Đình đã ba lần bị phá bỏ ( lần đầu 1918, lần hai 1947, lần ba 1963 ), đình thờ Dương Tự Minh và Thần Hoàng Làng, chăm lo đình là các thế hệ con cháu tộc Dương, nay thuộc diện tư liệu hóa di tích của tỉnh Thái Nguyên.
    -Đình Hòa Úc ở xóm Cậy, cũng thờ Cao Sơn Quý Minh Thượng Đẳng Chi Thần-Dương Tự Minh và những người có đức độ, tài năng được chúng sinh vinh thần. Trong kháng chiến, đình này thường diễn ra nhiều cuộc hội họp bàn đấu tranh cách mạng.
    -Đình Thượng ở xóm Già, hướng cây gạo la đà, Vực Mụ, gắn với câu chuyện cụ Hậu, ông dài, ông cộc. Đình rất linh thiêng, ai qua cửa đình phải xuống ngựa, bỏ mũ cúi chào, không thì sẽ gặp nhiều điều rắc rối.
    -Đình Huống Trung ở xóm Huống Trung, khu gian giữa Linh Thông và Linh Nhan, đứng đầu đất vào năm 1910-1915 là lý trưởng Dương Văn Trực điều hành công việc trong xã ( xưa là một xã riêng ).
     Chuyện về chùa : Chùa O trên đất Linh Thông, tổng Huống Thượng, lối đi Đồng Tằm, Cam Gia xuôi Phủ Bình, Bắc Ninh . Chùa này chủ yếu là các cụ ở Cam Gia, Đồng Tằm, Đồng Cả, Đồng Voi cúng lễ.
    -Chùa Na Mạ thờ Thích Ca Mâu Ni của các cụ làng Đông, làng Phách ( Khách ), làng Quang, xóm Hồ thuộc giáp Kim Đường cúng lễ. Chùa tọa lạc trên đồi cao, ba ngày lễ chính trong năm là : Lễ Thượng Nguyên vào 15 tháng Giêng, lễ Phật Đản vào mồng 8 tháng Tư, lễ Tất Niên vào 30 tháng Chạp. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, không người trông coi và sửa chữa, bị dỡ bỏ, nay trở thành đất trường tiểu học xã Huống Thượng, chùa hạng mục' tư liệu hóa di tích' .
    -Chùa Làng Dây, còn có tên gọi Chùa Đổ, cạnh chùa có cái Nghè thờ người họ Đỗ có công trạng với dân trong vùng đất Linh Thông. Chùa trên đồi cao, bên lối đi Hòa Khê - Minh Ký - Đèo Nhâu - Tràng Xá - Vũ Nhan . Năm 1964-1968 là trận địa pháo phòng không 100 mm bảo vệ khu gang thép, đập Ba Da Thái Nguyên, chùa chủ yếu cho các cụ giáp Đông Gia, thôn Hoàng Gia thờ cúng, nay thuộc diện ' tư liệu hóa di tích '.
    -Chùa Ao Sen, thuộc đất xóm Sộp, chân đồi là Ao trồng nhiều sen, tên chùa, tên đồi, tên ao,tên ruộng, tên đất đều có từ Sen đi kèm, lễ chùa này chủ yếu là các cụ ở giáp Xuân Lạp.
   -Chùa Phú Nông ( Chùa Nóng ) ở xóm Cậy, giáp Hòa Úc, chùa có nhiều tượng phật, một phần cũng do ưu ái từ các chùa trong xã bị đổ nát di về đây. Chùa có quả chuông to đúc vào năm Minh Mệnh thứ 19 ( 1838 ) và một pho tượng lớn cho là thứ nhất trong vùng. Những ngày lễ chính là Tết Nguyên Tiêu 15 tháng Giêng, Phật Đản mồng 8 tháng Tư, Vu Lan 15 tháng Bẩy, tất niên mồng 8 tháng Chạp, phía trước đồi là Đình Hòa Úc, toàn cảnh nơi đây được cắm biển khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử văn hóa .
    Chuyện về Đền, Nghè : Nghè Làng Dây và Nghè Làng Giang ( Giáng ), Nghè Làng Dây thờ ông Đỗ Trọng, Chùa Nghè trở thành ' tư liệu hóa di tích ' . Nghè Làng Giang tồn tại mãi tới 1980 và sau chuyển hóa thành nhà trẻ, mẫu giáo của nhân dân trong vùng ( xã Túc Duyên ngày nay ).
   -Đền Thượng thờ cụ Hậu, ông Dài, ông Cộc, Cao Sơn Thần-Dương Tự Minh. Đền được dựng lại khi Đền Rắn bị đốt phá vào thời nhà Minh ( năm 1882 ), sau này bị tháo dỡ lấy gạch xây trường học xã Huống Thượng .
    Về nhà thờ dòng ( Thiên Chúa Giáo ) : Khi người Tây phương vào Việt Nam, thực tế khi Pháp đô hộ, truyền đạo Thiên Chúa, cho xây nhà thờ này trên nền đất của ngôi chùa cổ, trên quả đồi cao của khu Đồng Giăng và Đồng Cả, giữa hai làng, Làng Đông và Làng Tây. Người theo, sống quanh nhà thờ được gọi là Xóm Núi .
     Theo dòng thời gian lịch sử, Huống Thượng, xứ Thái, Châu Giao là vùng đất soi bãi, môm bồi ven sông, đoạn sông quanh co, khúc khuỷu, lắm thác nhiều ghềnh, đồi núi nhấp nhô, cao thấp khác nhau. Dân cư thưa thớt, sau này dân di cư tới ngày một đông, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa hiện thực giao thoa giữa miền xuôi và miền ngược, giữa đồng bằng và rừng núi cũng từ đây lan rộng. Theo tộc Dương ở đất Linh Thông, tổng Huống Thượng, những câu chuyện có tới hàng nghìn năm được truyền khẩu trong dòng con cháu, như Phò Mã Dương Tự Minh, Nguyên Phi Ỷ Lan, Cụ Hậu, Ông Dài, Ông Cộc, Đầm Linh, Đầm Phù, Đầm Diềm...Và chuyện thờ cúng thần, cúng ma : Ma Gà, Ma Só, Ma trêu ghẹo ...
                Biên tập Dương Đức Cảnh Doanh
                         Năm Canh Dần ( 2010 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét