Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Xã Huống Thượng - Dân cư & Xã hội

Huống Thượng Quê Hương Tôi _ Dân cư-Xã hội

Category: Giáo dục nhân văn, Tag: Huống Thượng Quê Hương Tôi_Gi,Thái Nguyên
09/05/2012 04:43 pm
2/ Dân cư-Xã hội
     Xưa Huống Thượng nói riêng ( một trong bốn vùng đất tứ linh ), và xứ Thái Nguyên nói chung là vùng núi hiểm trở, râm rạp, dân cư thưa thớt, triều đình chưa quản lý được, tổ chức chỉ do các tù trưởng trông coi và cống nạp. Đất Huống Thượng do phiên thần tộc người Họ Ma nối đời cai quản; Những địa danh mang đậm dấu ấn tên gọi của người bản địa như: Na Cát ở xóm Cậy; Na Thánh, Na Non, Na Mui, Na Kháo( Khoa ), Na Bành ở xóm Thông và Thông Nhãn ( Nhan ); Na Kháo ở Đồng Tâm, Na Ướt ở xóm Bầu; Na Mương ở xóm Hóc; Na to ở xóm Đảng; Na Dạt ở Huống Trung; Na Cang , Na Máng, Na Lải ở xóm Già; Na Mây ở xóm Gò Chè; Na Quán, Na Chanh ở xã Nam Hòa ( trước là xã Quang Trung )...
     Từ thế kỷ 16 ( 1527 ), Tổng Huống Thượng, xứ Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang ( Khu rừng Việt Bắc )cũng như sau đấy, nhà Mạc làm nơi trú ẩn và là căn cứ để chống nhà chúa ( Chúa HọTrịnh ) sau khi mất Thăng Long vào tay Trịnh Tùng; Xứ Thái Nguyên lại chính càng trở thành căn cứ đắc địa của nhà Mạc, các quan quân đã xây đồn đắp lũy ở Đồng Mô, Núi Tiện ( Triện/ Truyện ), Núi Voi, Lưu Xá, ...Khi tập đoàn Mạc_Trịnh giao tranh, dân chúng tản cư vào những nơi hẻo lánh, rừng già. Có những lần nhà Mạc đánh xuống Gia Lâm người theo như chảy hội. Quan quân nhà Chúa đánh lên , những trận đại chiến như đánh vào thủ phủ nhà Mạc ở Bản Ngoại, huyện Đại Từ, rồi ở Lỵ Ba Bể, phủ Bác Cạn, cuối cùng là phủ Cao Bằng vào thời Trịnh Cán, Trịnh Căn. Chiến tranh Mạc _ Trịnh ( gọi : Chiến tranh Nam_Bắc triều ) kết thúc, dư đảng nhà Mạc thất thủ hoàn toàn vào năm 1745; Các tộc họ theo nhà Mạc, họ đổi họ thay tên sang họ Huỳnh hoặc Hoàng và ở xen kẽ với người bản địa; Xã hội trở lại yên bình các nhóm tộc họ di cư từ đồng bằng lên hoặc họ trở về làng cũ, đất cũ tạo dựng lại hoặc xây nên chòm xóm mới trên vùng đất hoang hóa lâu nay.
     10 năm chống quân Minh, và sau này giặc Tam Hoàng ( cờ đen, cờ vàng, cờ trắng ) thời nhà Thanh cũng là dấu ấn đậm nét cho cư dân Tổng Huống Thượng. Từ tiền Lê đến hậu Lê dân xứ Thái ngày một đông lên, đặc biệt thời kháng chiến chống thực dân Pháp đông lên gấp bội, phần do di cư, phần do chiến tranh. Dòng tộc cư ngụ lâu đời nhất ở vùng đất tứ linh ( Linh Thông, Linh Chữ, Linh Sơn, Linh Nhan ) có như : Tộc Dương ở Giáp Kim Đường, Linh Tùng thôn,  Huống Thượng tổng; Họ Trần ở giáp Hòa Úc ( xóm Cậy và Sộp ), họ Dương ở giáp Đông Gia ( gồm xóm Già, Đảng, Hóc ), và còn nhiều dòng họ khác nữa... Tính đến nay cũng trên dưới 300 năm, 11-12 đời. Sinh hoạt chủ yếu là trồng tỉa, hái lượm, săn bắt. Các thú dữ, thú độc nhiều như hổ, báo, rắn, rết ... đến nỗi dân trong vùng phải thờ đến thần rắn, chúa sơn lâm ( Họ Dương ở Linh Tùng đã thờ thần hổ, ông ba mươi cho mãi tới năm 1968 mới thôi ), thờ phật thích ca mâu ni ở chùa Na Mạ ( Kim Hoa sau này ).
     Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân nơi khác đến đông, chủ yếu từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang tới. Các xóm nhỏ dần hình thành như : Cậy, Nêu, Sộp, Ghềnh, Già, Khấu, Hóc, Dây, Me, Đính, Phách, Bầu, Trám, Mận, Vả . Xóm Thông ( Linh Tùng ) từ 7 hộ, 11hộ, 17hộ, 23 hộ, rồi trên 30 hộ, nay ( 2010) sinh sôi nẩy nở rất đông .
     Về tổ chức xã hội , từ năm Gia Long- Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, đặc biệt Minh Mạng hoàng đế, xứ Thái Nguyên được gọi là Tỉnh Thái Nguyên, dưới tỉnh có phủ, huyện, lỵ; Sở Thái Nguyên được đặt tại đồng Mô ( Khu vực nhà Mạc , năm Vĩnh Tộ 1619-1628 ), nay là khu phố cột cờ, phường Trưng Vương đến xóm Chùa phường Túc Duyên. Năm Minh Mạng thứ 16 ( 1835 ), nhà Nguyễn thực hiện chế độ lưu quan, người kinh sống xen kẽ cùng quan lại thổ tù bản địa để ràng buộc lẫn nhau, lúc đó tỉnh sở, huyện vụ Đồng Hỉ được chuyển về Huống Thượng trụ tại gò Hội Đồng xóm Hóc, sau bị giặc Tam Hoàng phá phách, đền Rắn, Đình Thượng đổ nát ( 1882 ), tiếp đó huyện sở phải dời qua xóm Cậy, xóm Bầu, xóm Trám ( vào cuối thế kỷ 19 ) .
     Khi đế quốc Pháp đô hộ, đồn điền mở ra, dân di cư thêm đông, phát canh thu tô đẩy mạnh, chủ đất, chủ đồn điền xuất hiện như : Đặng Mạnh Ái ( Nghị Ái ), có đồn điền Nguyễn Văn Tâm tại đất Hoàng Gia -và xóm Gò Chè ngày nay; Vào những năm 20 thế kỷ 20 ở Huống Thượng đã đẩy mạnh việc trồng trẩu, sở, chè như ở vùng đồi xóm Thông có đồi gò trẩu, bãi chè ông tổng Bành, gò chè của đồn điền Nguyễn Văn Tâm...nhiều vườn bãi chè nhỏ phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng . Nhà của ông Nghị Ái ở xóm Khấu là nơi thờ cúng gia tiên, nghỉ ngơi của gia đình ông .
     Chính sách chia nhỏ để trị, Huống Thượng không còn là một tổng mà trở thành một xã, cơ quan sở, huyện đóng tại trong xã nên đời sống sinh hoạt người dân đông vui nhộn nhịp, giao lưu trên bến dưới thuyền, thuyền bè ngược xuôi, đã có phường Thủy Cơ chuyên chở hàng hóa cung cấp cho dân chúng , Đầu thế kỷ 20 , cơ quan huyện mới chuyển về xã Đồng Mô .
     Đặc biệt do cách mạng năm 1917 ở Châu Âu ( Nga Hoàng bị lật đổ ) đã ảnh hưởng mạnh tới Đông Dương, phong trào giải phóng dân tộc ngày càng phát triển mạnh, dân trong xã tụ họp ngày một đông và diễn biến cách mạng phát triển, cách mạng tháng 8 năm 1945, kháng chiến chống Pháp, nơi đây cũng đã trở thành nơi hội họp các ban nghành đoàn thể của hội, một điểm của cái nôi cách mạng : Chiến khu Việt Bắc. Phong trào tổ đổi công, HTX nông nghiệp năm 1958-1960 cho tới sau này đã đẩy dân số tăng cao, đất đai ngày dần hạn hẹp, các tổ, ấp, đội được hình thành. Từ ngày giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ( 30-4-1975 ), và mở ra nền kinh tế thị trường XHCN, đời sống dân tình có nhiều đổi thay, văn hóa làng xã có nhiều thay đổi rõ rệt .
    Đón xem Clip tại địa chỉ : WWW.YouTu.be.com/canhdoanh, hoặc từ khóa : Nhớ về cội nguồn tộc Dương, Linh Thông, Huống Thượng, Đồng Hỉ, Thái Nguyên .
  Huyền tôn tộc Dương, xóm Thông, Huống Thượng, Đồng Hỉ, Thái Nguyên, Việt Nam . 
     Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 9 năm 2012 ( ngày 20 năm Nhâm Thìn ) .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét