Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Xã Huống Thượng - Giáo dục - Những người con hiếu học

Huống Thượng Quê Hương Tôi _ Những người con hiếu học

Category: Tâm lí giáo dục, Tag: Huống Thượng Quê Hương Tôi_Gi
10/18/2012 03:47 pm
    6/  Những người con hiếu học ( Gia tài của bố )
     Đáp ứng tinh thần ham học của người dân xã Huống Thượng, trong xã có ngôi Văn Chỉ, thờ đức Khổng Tử, tại khu đất làng Hóc ngày nay . Ngôi Văn Chỉ có từ trước năm 1884 xa xưa .
    Tại ngôi Văn Chỉ có Tư Văn hội, những người trong hội đi học thi đỗ có bằng. Hội gồm 10 cụ cao niên nhất có bằng sắc, trong đó có một cụ làm chùm trưởng, một cụ làm chùm phó chịu trách nhiệm chính cùng cộng tác với các cụ khác .
    Hằng năm cứ trung tuần mùa Xuân, mùa Thu thì hội sửa lễ chay hay mặn để tế Khổng Tử, trong hội có ban tế, có ban phục dịch để mọi công việc dễ dàng thực hiện, thuận lợi.
   Sau năm 1884, Pháp đặt nền đô hộ ở Việt Nam, Các cụ chạy loạn trở lại làng họp mặt nhau lại, tiếp tục thực hiện văn hóa này.. Các cụ lúc đó có : Cụ Hội già ở xóm Bầu, cụ Bá Cai ở xóm Chám, cụ Cai Thảo ở xóm Cậy, cụ Chánh Tường ở xóm Sộp, cụ Chánh Đa ở xóm Hóc, cụ Chánh Lãm ở xóm Khấu, cụ Chánh Bút ở xóm Già, cụ Đội Kiền ở xóm Đảng, cụ Bá Đĩnh ở xóm Thông, cụ Tổng Vịnh ở xóm Giang ( Giáng )....Khi cụ nào qua đời thì có cụ khác trong hội kế tiếp. Tư Văn Hội hoạt động tới mãi tháng 8 năm 1945 thì ngừng .
   Cũng từ Tư Văn Hội này, vấn đề học chữ Hán, chữ Nôm trong xã được diễn tiến . Thường một xóm hay liên xóm có một thày đồ dạy học, thày được nhà giầu nuôi, dạy con cháu trong nhà và trẻ con làng xóm . Nhà ông Bá Đĩnh ( Dương Đức Hiệt ) ở xóm Thông, ông Chánh Nhâm ( Dương Văn Bút ) ở xóm Già đã nuôi thày và các xóm khác cũng vậy . Các thầy được học sinh biếu lương thực, thực phẩm trong năm vào những ngày tết lẻ hay chính, đối với các thày ở xa quê, ngày tết về các học sinh biếu tiền để chi phí .
   Học sinh, phụ huynh rất kính trọng thày, thể hiện như đám tang cụ Đồ Lùn, tạ thế vào năm 1939 tại Huống Thượng, xóm Bầu-Chám đã được các ông học sinh già họp mặt bàn bạc làm tế lễ cụ, chủ tế là ông Lê Văn Đoàn cùng các ông trong hội đồng nôn .
   Trước năm 1920, ông Dương Đức Giản, ông Dương Đức Uyên, ông Dương Văn Dưỡng, ông Dương Văn Huyến....và nhiều ông khác cũng đã nói đến cụ đồ Phạm Đẩu Nam hay chữ, dạy giỏi chữ Hán và cả chữ quốc ngữ nữa; Sau có cụ giáo Đông ở xã Đồng Mô ( Mỗ ) về dạy tại Nhà Hội Đồng xóm Hóc, các môn dạy cho học sinh theo chương trình tiểu học quốc ngữ phổ thông, học sinh thời ấy có ông : Ông Đại, ông Tiến, ông Hướng, ông Huyến....
   Vấn đề học và dạy chữ Hán, chữ Nôm giảm dần, chữ quốc ngữ tăng dần; Huống Thượng là xã đầu tổng, huyện Lỵ trụ sở đóng tại địa phương xóm Hóc, rồi chuyển ra xóm Bầu, cạnh quan huyện hành chính có quan huấn đạo chỉ dẫn các thày đồ dậy học sinh trong huyện, hàng năm có thi tuyển, học sinh đậu, học tiếp để thi hương, thi hội, thi đình....
   Huống Thượng đã có cụ Nguyễn Văn ( Xuân ) Hạnh ( con rể của cụ Dương Văn Dụng xóm Thông ) dự thi Hương Nam Định, năm Kỷ Dậu ( 1909 ), các cụ có học chữ Hán, chữ Nôm và Quốc ngữ như : Cụ Đệ, cụ  Đồng, cụ Lai và cụ Kỷ theo học sư phạm trường Bưởi ở Hà Nội, sau khi học thi tốt nghiệp về tỉnh Thái Nguyên, được nhà nước cử về các xã dạy học theo chương trình tiểu học bán cấp, có môn chữ Hán .
   Cụ Tổng Lai dạy ở xã Úc Kỳ, huyện Phủ Bình, cụ Tổng Kỷ dạy ở xã Thượng Đình, huyện Phủ Bình, tỉnh Thái Nguyên ( trước năm 1920 ).
   Khi Thực Dân Pháp lấy được 6 tỉnh Nam kỳ làm đất thuộc địa, dạy chữ quốc ngữ cho dân . Năm 1889, Nam Kỳ mở trường tiểu học Pháp-Việt và Sài Gòn, Mỹ Tho mở 3 trường trung học, lúc này Trung Kỳ, Bắc Kỳ vẫn giữ lại cho dân học chữ Hán, chữ Nôm, thi khoa cử cũ. Vào năm 1908 nhà nước bảo hộ mở Trường Tiểu Học Pháp-Việt tại thị xã Thái Nguyên, học sinh hầu hết là người các xã lân cận được theo học hay những nhà giàu tuy ở xa cũng cho con theo học. Học sinh trường này sau làm thày hoặc thư ký cho các công sở nhà nước bảo hộ tại Thái Nguyên ( Giáo viên như : Ông Hy, ông Ân, ông Trình, ông Đạt, ông Hảo, ông Cầu, ông Xuân, ông Lục, ông Cách, ông Sĩ ....).
   -Năm 1922, Huống Thượng là xã mà huyện Lỵ Đồng Hỉ đặt trụ sở từ xa xưa, cùng với các phủ huyện khác, nhân dân hợp sức cùng nhà nước bảo hộ xây dựng 3 gian nhà ngói có trần, cửa kính, cửa chớp cao ráo thoáng mát tại nền đình cũ gần xóm Học, thầu khoán lúc đó là ông Đặng Mạnh Ái .Trường Tiểu Học Pháp-Việt bán cấp này có lớp đồng ấu A,B; Lớp dự bị; Lớp sơ đẳng. Các môn học chữ quốc ngữ, chữ Pháp xen lẫn nhau ở các buổi học hàng ngày trong tuần ....Ba lớp phối hợp chỉ nhận nhiều nhất là 50 học sinh trở lại. Thày giáo đầu tiên về dậy là cụ giáo Thái, người phố Hàng Vôi, Hà Nội, trú tại nhà cụ Thủ Hữu xóm Cậy, từ niên học 1922 đến 1925. Học sinh lúc đó như ông Trần Gia Huấn, Dương Đức Uyên, Trần Văn Úc, Dương Trọng Lý ....
   -Năm học 1925-1928, cụ giáo Đản về dạy thay cụ giáo Thái đổi về thị xã Thái Nguyên, cụ Đảm quê huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Học sinh lúc này có các ông : Dương Văn Ngữ ( ông phó Ngữ xóm Thông ), Trương Văn Giang, Nguyễn Danh Bảng, Đặng Đình Khuê xóm Đảng, ông Dương Trọng Hữu xóm Cậy, ông Dương Văn Ao ....
   -Năm học 1928-1931, cụ giáo Nguyễn Văn Cầu, ở thị xã Thái Nguyên về thay cụ giáo Đản . Học sinh thời gian này có các ông : Tạ Bang, Nguyễn Long, Tạ Khuê, Dương Văn Hét, Dương Văn Tuất, Đặng Đình San, Dương Ngọc Thụ, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Văn Lượng ....Người dân tộc Sán Dìu như : Tống Văn Đang, Nông Văn Hòa, Ma Văn Tiến, Trịnh Văn Vinh ( Vịnh ).....Học sinh nữ cũng đi học như : Dương Thúy Sen, Nguyễn Thị Lùn, Dương Thị Nghệ, Đặng Thị Hồng, Đặng Tuyết Vỵ .... Phong trào học tập đi lên, nhà trường đông vui, có người dân tộc thiểu số và nữ đi học.
   -Năm học 1931-1934, cụ giáo Lê Văn Xuân về dạy thay cụ giáo Cầu đổi đi nơi khác. Học sinh lúc này có các ông : Nguyễn Cát Lợi, Ngô Văn Đĩnh, Nguyễn Văn Thứ, Nguyễn Văn Vụ, Đinh Cao Nhiếp, Nguyễn Văn Dụ, Đặng Đình Kiện, Đặng Đình Cừ ....Học sinh nữ tiếp tục vào học như : Vũ Thị Tịu, Đỗ Thị Văn, Ngô Thị Kim, Lê Thị Hói, Trần Thị Phương .....Học sinh người Sán Dìu như : Vi Văn Vinh, Diệp Văn Đức, Phạm Văn Đức, Lưu Văn Hoàng .....Phong trào học tập bị giảm sút từ cuối năm 1934 vì nhân dân mất mùa, lụt lội do bởi ảnh hưởng con đập Ba Đa thác Ghềnh Chảo xả lũ không kịp .
( Còn nữa )...
Chỉnh biên : Dương Đức Cảnh Doanh-huyền huyền tôn tộc Dương, xóm Thông, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỉ, tỉnh Thái Nguyên ( TL: Dương Đức Nguyên )
Năm Canh Dần ( 2010 )
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét