Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Xã Huống Thượng - Văn hóa Giáo dục

Huống Thượng Quê Hương Tôi _ Văn hóa Giáo dục ( Văn hóa hữu hình )

Category: Giáo dục nhân văn, Tag: Huống Thượng Quê Hương Tôi_Vă
10/17/2012 02:02 pm
     5/ Văn hóa Giáo dục(Văn hóa hữu hình)
     Từ xa xưa, người dân đã ý thức vấn đề học tập, chữ nho, chữ nôm, được truyền bá và dạy bằng cách đón thày về nhà . Các làng, các giáp thỏa thuận dành một số ruộng chung dùng để nuôi thày dạy học . Thông thường nhà giầu đón thầy về dạy con cháu trong nhà và trẻ con hàng xóm . Người có chữ nhiều lúc bấy giờ chỉ có cụ Nguyễn Văn Hạnh ( xóm Học ), cụ thi Hương năm 1909, và vài ba người học trường bưởi ( Hà Nội ) trở về làm nghề bảo học . Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 toàn xã có 5 người bảo học và quản lý cấp tổng và được gọi là " Tổng Sư ", tổng sư lúc này có các cụ :
1/ Cụ Tổng Đa ( Nguyễn Văn Hạnh ), con rể của cụ Dương Văn Dụng ở Linh Tùng thôn , giáp Kim Đường .
2/ Cụ Tổng Chúc ( Nguyễn Văn Trung )
3/ Cụ Tổng Thụ ( Dương Văn Kỷ ), con cụ Dương Văn Bút ở xóm Già, giáp Đông Gia .
4/ Cụ Tổng Lai ( Lê Quang Lai )
5/ Cụ Tổng Tuất ( Dương Văn Nhâm ), con cụ Dương Văn Bút ở xóm Già, giáp Đông Gia
     Năm 1922, người dân trong xã cùng nhà nước bảo hộ xây dựng trường học Huống Thượng, trường có 3 gian, lợp ngói, có trần, cửa kính, cửa chớp, gọi là Trường Tiểu Học Pháp-Việt Bán Cấp . Trường có lớp Đồng Ấu A; Đồng Ấu B; lớp dự bị; lớp Sơ Đẳng, số học sinh của trường thường không quá 50 người trong năm, học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp ngữ ( song ngữ ). Người đầu tiên dạy trường này từ năm 1922 đến 1925 là ông giáo Thái, quê phố Hàng Vôi ( Hà Nội ); Ông giáo Đản quê Tiên Lữ ( Hưng Yên ) dạy từ 1925 đến 1928; Năm 1928 đến 1931 là ông giáo Nguyễn Văn Cầu, người thị xã Thái Nguyên. Năm 1931 đến 1934 là ông giáo Lê Văn Xuân về dạy thay ông giáo Cầu, tiếp từ năm 1934 đến 1935 là ông giáo Trần Văn Hảo ở xã Phủ Liễn ( thị xã Thái Nguyên ) về thay ông giáo Xuân do đổi chuyển .
     Từ năm 1935 đến 1941, do mất mùa, dân tình đói kém, học tập giảm sút, trường đóng cửa, gia đình có kinh tế khá thì cho con theo học trường Tỉnh, gia đình trung bình thì gửi con vào các lớp dạy tư ở các xóm, còn khá giả hơn thì đón thày về nuôi, dạy tại nhà như cụ Hùng Thế Hổ ( xóm Bầu ) và Dương Văn Kỷ ( xóm Khấu ), Nguyễn Kim Bảo ( xóm Trám ), Dương Xuân Dục ( xóm Thông ).
     Năm 1938-1939, nhân dân trong xã cử anh Nguyễn Danh Bảng ra thị xã Thái Nguyên học sư phạm, tốt nghiệp, về dạy . Trường Tiểu Học Pháp-Việt Bán Cấp dạy lại từ năm 1941 đến hết khóa học 1944-1945 . Sau do tình hình cách mạng và thiếu người dạy, chủ yếu là đẩy mạnh bình dân học vụ, tập trung cho cuộc kháng chiến chống Pháp ( 1946-1954 ), hòa bình lập lại, trường lớp lại mở ra, con em trong xã tiếp tục học tập, hệ thống trường lớp được hình thành và phát triển tới ngày nay .
Tìm biên Dương Đức Cảnh Doanh
Năm Canh Dần ( 2010 )     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét