Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Xã Huống Thượng-Những người con Trí tuệ

Huống Thượng Quê Hương Tôi _ Những người con trí tuệ

Category: Tâm lí giáo dục, Tag: Huống Thượng Quê Hương Tôi_Nh
10/22/2012 03:32 pm
 ( 6/ Những người con hiếu học, đã viết đăng )
  7/ Những người con trí tuệ
   Tháng 8 năm 1945, Huống Thượng bầu UBND lâm thời, đổi tên là xã Phương Thượng, tổng Đồng Hỉ....Ban văn hóa giáo dục cũng được thành lập dưới sự chỉ đạo của ban văn hóa huyện Đồng Hỉ ( trưởng ban là bà Vi Vân Lâm, phó ban là ông Nguyễn Khiết Trực, thư ký là ông Phạm Trần Lạm ), chủ yếu vận động toàn dân đi học chữ quốc ngữ ( bình dân học vụ ) để biết đọc, biết viết và làm tính .
   Ban văn hóa xã gồm có trưởng ban, phó ban, thư ký và nhiều ủy viên chịu trách nhiệm ở các tiểu ban như : Tiểu ban tổ chức, tiểu ban cổ động, tiểu ban học cụ; Mở lớp học tại trung tâm trường ngói xóm Hóc và rộng khắp 10 xóm . Anh em trong đoàn thanh niên cứu quốc cũng đều tham gia trong các ban để thực hiện nhiệm vụ . Chính quyền xã mở lớp học cho thiếu nhi, nhi đồng vào buổi trưa, lớp dạy cho nông dân, dạy cho phụ nữ, dạy cho các cụ cao niên, người người đi học, nhà nhà đi học, cuối năm 1945 đã có tới nghìn người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ . Tùy theo tình hình điều kiện, các lớp còn lại học vào buổi tối, học viên mang đèn, sách, phấn, bảng để đi học . Ngoài ra Ban còn động viên tinh thần ham học trong dân, tiểu ban cổ động phối hợp với đoàn thanh niên, nam, nữ buổi tối biểu diễn ca, kịch, múa, hát . Buổi đầu cách mạng, nhân dân nô nức, phấn khởi, say mê học tập .
   Xã Huống Thượng được sự chú ý, quan tâm của UBND tỉnh, ty thanh tra tiểu học cử cụ giáo Đào Văn Bẩy, quê Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên về xã làm hiệu trưởng trường phổ thông tiểu học Đồng Tiến, chỉ đạo 3 phân trường : Huống Thượng, Huống Trung, Linh Sơn . Các giáo viên cộng tác với cụ là ông Tạ Văn Khuê, Trần Văn Khuê, Dương Đức Nguyên và ông Lê Văn Trọng . Niên học 1946-1947, 3 phân trường dạy ghép bán cấp ( 1,2,3 ), năm sau tại Huống Thượng có mở lớp nhì B, nhì A, lớp nhất tiểu học. Hội đồng nhà trường gồm hiệu trưởng và giáo viên; Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, một giáo viên phụ trách chính trị, thời sự ( ông Tạ Văn Khuê ), một giáo viên tìm soạn các bài học về tự nhiên ( ông Trần Văn Khuê ), một giáo viên tìm soạn các bài học về xã hội ( ông Dương Đức Nguyên ), một giáo viên tìm soạn bài học các môn khác ( ông Lê Văn Trọng ), hoạt động theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ty thanh tra tiểu học. Hàng tuần 1,2,3 hội đồng trao đổi thống nhất bài giảng trong tuần và cả tháng. Tuần 4 học tập, trao đổi về chính trị thời cuộc. Khi tin Đác-Giăng-li-Ơ triệt hồi, Bô-La thay, đã có giáo viên cảm tác bài thơ :
   Ví phỏng rằng mi chẳng triệt hồi,
   Thì sao tránh khỏi chiếc đầu rơi,
   Há khinh khí phách người dân Việt,
   Sao nhãng đường tu đạo chúa trời,
   Một tháng gian lao ôi hú vía,
   Bao năm tu luyện cũng đi đời,
   Mi về ta nhắn vài lời nhé!
   Tướng mạnh nào sang cũng thế thôi.
   Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1948, nhà nước Việt Nam cải cách giáo dục, cải tổ lại thành hệ thống giáo dục 9 năm ( cấp I : Lớp 1,2,3,4; cấp II : Lớp 5,6,7; cấp III : Lớp 8,9 ), nội dung thiết thực phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân, phục vụ kháng chiến lâu dài, BTVH cũng phát triển mạnh, đến năm 1949 đã có tới 10 triệu người thoát nạn mù chữ.
  -Mùa hè 1949, ty giáo dục, ban bình dân học vụ tỉnh Thái Nguyên mở hội nghị rèn cán chỉnh cơ tại xã Úc Kỳ huyện Phú Bình. Trong năm học 1949-1950, các trường học trong toàn tỉnh dạy theo chương trình mới, trường Đồng Tiến ( Huống Thượng ), 3 phân trường dạy ghép ( 1,2,3 ), có 10 lớp với 200 học sinh.
  -Năm học 1951-1952-1953, 3 phân trường, nơi thì dạy ghép; Nơi thì dạy tách, có tới 10 lớp với hơn 350 học sinh.
  -Năm học 1953-1954, các phân trường ghép 1,2 hay 3,4 của Huống Thượng đông học sinh nên giáo viên dạy tách lớp, thời điểm này phát triển tới 12 lớp với 450 học sinh, khi học sinh tăng, có nhiều lớp thì giáo viên cũng được cấp trên bổ nhiệm tăng thêm, từ năm học 1948 giáo viên tới xã có : ông Nguyễn Văn Thụ, bà Nguyễn Thị Phương, bà Nguyễn Thị Thảo, ông Ngô Quang Toản, ông Trần Tương Như, ông Đinh Văn Y, ngày thứ 5 trong tuần hàng tháng các giáo viên họp mặt để thảo luận soạn bài, trao đổi thống nhất bài giảng dạy cho học sinh, cụ giáo Bẩy đã soạn một bài học thuộc lòng như sau :
   Em có vườn cà chua,
   Quả hồng đỏ đẹp quá,
   Hoa vàng chen giữa lá,
   Vàng đỏ tựa màu cờ,
   Càng nhìn màu sắc càng ưa,
   Càng vui tích cực tăng gia vun trồng.
( Còn tiếp )
( Tư liệu từ : Gia tài của bố-Dương Đức Nguyên, nguyên là giáo viên của huyện Đồng Hỉ, Thái Nguyên )
Chỉnh biên : Dương Đức Cảnh Doanh-huyền huyền tôn tộc Dương, xóm Thông, Huống Thượng.
     
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét